Lạ lùng chuyện nhà thầu xây dựng số 1 Việt Nam Coteccons và chủ đầu tư dự án Panorama Nha Trang "đấu tố" nhau
CTD: Công ty cổ phần Công Nghiệp cao su Miền Nam
Theo đó, hiện nay nhà thầu này đã bị "trục xuất" khỏi công trường, hàng tấn thiết bị xây dựng, máy móc trị giá hơn 70 tỷ đồng vẫn chưa được tiếp cận, và khoảng 120 tỷ đồng chủ đầu tư chưa thanh toán.
"Phát pháo" từ Vịnh Nha Trang
Được biết, dự án Panorama Nha Trang là tổ hợp căn hộ, khách sạn và trung tâm thương mại, do Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Vịnh Nha Trang (gọi tắt là công ty Vịnh Nha Trang - VNT) làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô 4.483,1m2 với tòa nhà 39 tầng; dự kiến cung cấp ra thị trường khoảng 1.000 căn hộ có diện tích dao động từ 30,3m2 đến 69,3m2.
Công trình đang xây dựng dở dang phần thân đến khoảng tầng 26, thì khoảng tháng 10 vừa qua giữa nhà thầu Coteccons và Vịnh Nha Trang xảy ra mâu thuẫn, "tố" nhau vi phạm các điều khoản của hợp đồng bằng các công văn qua lại với nhau.
Ngày 5/12 vừa qua Vịnh Nha Trang gửi một thông cáo báo chí đến nhiều cơ quan truyền thông nhằm đưa ra nhiều lý giải về những tranh chấp đang xảy ra với CTD. Theo như văn bản này, VNT được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt là nhà đầu tư dự án Panorama Nha Trang. Ngày 1/8/2016, doanh nghiệp này đã chọn CTD làm tổng thầu thi công và thiết kế của dự án.
Dự án được triển khai thi công đúng tiến độ, thì bất ngờ ngày 12/10/2017, VNT nhận được công văn số 2991/2017/CV-TGĐ ngày 11/10/2017 của công ty CTD về việc "Thông báo các vi phạm Hợp đồng của chủ đầu tư và chấm dứt hợp đồng bởi nhà thầu". Theo VNT, song song với việc gửi công văn này đến công ty thì nhà thầu cũng đồng gửi đến nhiều cơ quan chức năng khác trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa khi chưa được sự chấp thuận bằng văn bản của công ty VNT.
Theo VNT, chính việc làm này của CTD đã vi phạm nghiêm trọng điều khoản bảo mật thông tin theo Hợp đồng nguyên tắc và Hợp đồng số 91/HĐKTTT-2016. Cùng với đó, theo quy định tại Điều 20.6 của Hợp đồng đã ký kết thì mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến Hợp đồng sẽ được giải quyết tại Tòa Trọng tài Quốc tế (VIAC). Tuy nhiên, khi phát sinh vướng mắc thì CTD không thực hiện đối thoại trực tiếp với chủ đầu tư mà thực hiện một hành động rất tiêu cực, thiếu thiện chí có thể gây ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến hình ảnh của dự án Panorama Nha Trang, hình ảnh thành phố Nha Trang.
Cũng theo thông cáo báo chí do VNT phát hành, CTD còn vi phạm tự ý bỏ dở công trình và không tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ thi công xây dựng như đã cam kết trong Hợp đồng với nhà đầu tư. Theo đó, ngày 13/10/2017 CTD đã tháo dở biển thi công, rút phần lớn công nhân khỏi dự án và dừng toàn bộ các hạng mục đang thực hiện. Công ty VNT cho rằng đây là một hành vi vi phạm đặc biệt nghiêm trọng đến tiến độ dự án, ảnh hưởng đến nhiều khách hàng đã và đang quan tâm đến dự án...
Song song đó, theo VNT thì công ty CTD đã quy kết cẩu thả, thiếu trách nhiệm và có ý thù địch khi cho rằng VNT đã vi phạm Hợp đồng như: đơn phương thay đổi phạm vi công việc trong hợp đồng; nâng tầng công trình khi chưa khảo sát chi tiết các vấn đề kỹ thuật; điều chỉnh thiết kế vi phạm giấy phép xây dựng mà không đưa ra được bất kỳ hồ sơ, tài liệu, chứng cứ chứng minh những sai phạm này.
Một vi phạm khác của CTD mà theo chủ đầu tư dự án này là nhà thầu chậm trễ trong việc khắc phục hai cẩu tháp phục vụ thi công công trình bị gãy đổ trong cơn bão số 12 vừa qua. Khi cơn bão qua đi, chủ đầu tư đã liên tục yêu cầu nhà thầu lên kế hoạch bàn giao công việc, di chuyển tài sản, thiết bị và tháo dỡ 2 cẩu tháp ra khỏi công trường. Đổi lại, CTD cho rằng việc này chỉ được thực hiện một khi chủ đầu tư dự án đã thanh toán cho nhà thầu xong số tiền là 120 tỷ đồng.
Nhà thầu số 1 Việt Nam nói gì?
Theo đại diện của CTD, trong quá trình thực hiện hợp đồng, tổng thầu Coteccons đã tuân thủ Hợp đồng và pháp luật, tập trung vào công tác thiết kế và thi công hoàn thành Dự án tốt nhất có thể.
Tuy nhiên, xuất phát từ yêu cầu của chủ đầu tư Vịnh Nha Trang và Tư vấn đề nghị Coteccons làm trái các quy định pháp luật về quản lý xây dựng, nên nhà thầu kiên quyết từ chối. Cụ thể, dự án được thiết kế và cấp phép 39 tầng, nhưng Vịnh Nha Trang yêu cầu thay đổi thiết kế dự án để nâng thêm 4-5 tầng (theo các Văn bản của đơn vị Tư vấn Artelia thay mặt Vịnh Nha Trang gửi Coteccons).
CTD cho rằng, là đơn vị thiết kế và thi công của dự án nên hiểu rõ yêu cầu này là không khả thi và gây rủi ro cao cho an toàn của dự án, đặc biệt yêu cầu này vi phạm giấy phép xây dựng, quy hoạch chung được phê duyệt bởi cơ quan quản lý Nhà nước.
Các công văn đến và đi giữa hai bên trao đổi về nội dung đề xuất việc thi công nâng thêm 4 tầng của dự án Panaroma. Trong đó, phía CTD đã thể hiện rõ quan điểm từ chối vì việc này sẽ gây tác hại rất lớn đến kết cấu cả công trình.
Cùng với một số vi phạm hợp đồng khác của chủ đầu tư bao gồm: Đơn phương cắt giảm phạm vi công việc (hoàn thiện và cơ điện …) trong hợp đồng Tổng thầu của Coteccons mà không có thỏa thuận bằng văn bản; Không thanh toán chi phí tiện ích phục vụ thi công so với quy định Hợp đồng... Do vậy CTD đã thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng kể từ ngày 26/10/2017 và đã chính thức gửi thông báo đến chủ đầu tư.
Theo quy định của hợp đồng, ngay sau khi chấm dứt Hợp đồng, chủ đầu tư phải thanh toán cho nhà thầu toàn bộ giá trị thi công đến thời điểm hai bên chấm dứt và nhà thầu sẽ bàn giao lại công trình cho chủ đầu tư.
Theo đó, giá trị công việc mà CTD đã hoàn thành hiện đến thời điểm hiện tại lên đến 120 tỷ đồng bao gồm tiền lương công nhân, vật tư thiết bị của hàng chục nhà cung cấp, nhà thầu phụ. Ngoài ra, còn khoảng trên 70 tỷ tiền thiết bị, công cụ dụng cụ là tài sản của Coteccons hiện còn trên công trường.
Tuy nhiên, thực tế, chủ đầu tư không những đã không thực hiện nghĩa vụ này, mà VNT còn phát hành thông báo chấm dứt hợp đồng và trục xuất công nhân của Coteccons ra khỏi công trường vào ngày 25/10/2017. Thông báo chấm dứt Hợp đồng và lệnh trục xuất Nhà thầu của chủ đầu tư có hiệu lực ngay trong ngày 25/10/2017 – ngày phát hành thông báo chấm dứt hợp đồng của chủ đầu tư. Điều đáng lưu ý là chủ đầu tư đã đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời điểm thông báo chấm dứt hợp đồng của nhà thầu có hiệu lực thi hành (tức vào ngày 26/10/2017).
"Đây được xem là hành vi vi phạm nghiêm trọng hợp đồng của chủ đầu tư đối với nhà thầu theo quy định của pháp luật", đại diện ban giám đốc CTD cho biết.
Tiếp sau đó, công ty Vịnh Nha Trang dựa vào Văn bản thông báo chấm dứt hợp đồng trên của mình để liên tiếp gửi các văn bản không đúng sự thật về Coteccons, đưa ra những yêu cầu và thời hạn tùy tiện, dừng mọi khoản thanh toán cho nhà thầu Coteccons. Đặc biệt, chủ đầu tư đã đưa ra yêu cầu di dời tài sản thiết bị ra khỏi công trường trong vòng 48 tiếng, lợi dụng việc khắc phục hậu quả sau bão để chuẩn bị đưa đơn vị khác vào tháo dỡ thiết bị tài sản của nhà thầu, và báo cáo không đúng sự thật với các cơ quan hữu quan nhằm chèn ép nhà thầu Coteccons.
"Để di dời hết số thiết bị xây dựng này chúng tôi phải mất ít nhất 2 tuần, chứ trong 48 tiếng thì không ai có thể làm được", vị đại diện này nói thêm.
Về sự cố cẩu tháp của dự án bị gãy do bão số 12 vừa qua, CTD cho biết thêm căn cứ Điều 4 Thông tư 04/2017/TT-BXD ngày 30/3/2017 quy định nhà thầu có trách nhiệm khắc phục sự cố và Coteccons đã chuẩn bị phương án (bao gồm con người và thiết bị) vào ngày 16/11/2017 để sẵn sàng thực hiện.
Tuy nhiên, chủ đầu tư không tuân thủ quy định tại Thông tư 04 và ngăn cản nhà thầu khắc phục sự cố bằng cách dùng bảo vệ cấm công nhân của nhà thầu vào công trường. Việc này Coteccons cũng đã nhiều lần gửi văn bản tới Vịnh Nha Trang và Cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa để yêu cầu chủ đầu tư dỡ bỏ lệnh cấm công nhân vào công trường để có thể thực hiện kịp thời trách nhiệm khắc phục sự cố cẩu tháp sau bão nhằm đảm bảo an toàn cho dự án và cư dân lân cận, tuy nhiên sự việc này hiện vẫn chưa được giải quyết.
Tại cuộc họp với Sở Xây dựng Khánh Hòa ngày 01/12/2017, Coteccons đã trình bày đầy đủ phương án và đề nghị được thực hiện tháo dỡ cẩu tháp bị hư hỏng sau bão, nhưng chủ đầu tư tiếp tục ngăn cản trong khi không đưa được phương án cụ thể. Về việc này, CTD cũng đã có văn bản báo cáo UBND Tỉnh Khánh Hòa để xin ý kiến chỉ đạo.
Ngoài ra, việc công ty Vịnh Nha Trang thông báo tự ý di dời cẩu tháp của nhà thầu sẽ vi phạm đến quyền sở hữu tài sản hợp pháp của người khác (theo quy định của pháp luật thì đây là tài sản Coteccons và nhà thầu phụ Zeno, đồng thời thiết bị này một phần sẽ thuộc về đơn vị bảo hiểm vì đang trong quá trình giải quyết bồi thường). Vịnh Nha Trang hiện đang đưa nhà thầu khác vào làm thay đổi hiện trạng công trình, đục sàn bê tông do Coteccons thi công (Coteccons vẫn sở hữu một phần công trình khi chủ đầu tư chưa thanh toán đầy đủ cho Coteccons), tháo dỡ giàn giáo bao che (là tài sản của Coteccons)
"Hiện nay chúng tôi chỉ biết kêu cứu các cơ quan chính quyền địa phương nhằm kịp thời bảo vệ quyền lợi của nhà thầu, đặc biệt là số tài sản trị giá khá lớn vẫn còn đang nằm trên công trường dự án mà chúng tôi không thể nào tiếp cận, bởi chủ đầu tư không cho bất kỳ ai vào", ông Trần Quan Quân - Phó Tổng giám đốc CTD cho biết thêm.
Theo Trí thức trẻ
Không có nhận xét nào: